Khái quát Nữ_vương

Lịch sử cách gọi

Ở các quốc gia cổ đại như Trung Quốc, Ai Cập, Ba Tư, những người phụ nữ dù xuất thân từ vương thất hay hoàng tộc cũng đều không có quyền kế thừa ngai vị. Do vậy, ngôn ngữ tại những nền văn hóa này không có danh từ "nữ hóa" chỉ đến ngai quốc chủ, như Pharaoh của Ai Cập, Hoàng đế của Trung Hoa. Dù có cách dùng [Nữ hoàng] đối với trường hợp phụ nữ làm Hoàng đế, [Nữ vương] đối với phụ nữ làm Quốc vương song điều đó chỉ mang tính tương đối.

Rất nhiều vị Nữ quân chủ cổ đại khi được truyền ngôi vị vẫn sử dụng danh xưng vốn dùng cho nam giới. Như Đế quốc Byzantine, có Irene thành Athena khi lên làm Hoàng đế của Đế quốc, bà dùng danh xưng [Basileus; βασιλεύς] theo truyền thống các Hoàng đế giới tính nam, hơn là tự dùng [Basilissa; βασίλισσα] vốn dành cho các Hoàng hậu Byzantine. Đối với trường hợp Quốc vương cũng vậy, Jadwiga của Ba Lan khi được tôn làm Vương, dùng danh hiệu [Rex Poloniae], tức [King of Poland; Quốc vương của Ba Lan]. Về sau, các đạo luật thừa kế tại một số quốc gia như Vương quốc Anh bắt đầu chấp nhận phụ nữ kế thừa ngôi vua, song không ít các quốc gia ở Châu Âu xem việc này là bất hợp pháp.

Trải qua Đông Á, các Nữ quốc chủ Tân La cùng Trưng Nữ Vương là những vị [Nữ vương] hiếm hoi, riêng [Nữ hoàng] càng hiếm hơn nữa, và những trường hợp này đều rơi vào những sự kiện độc nhất vô nhị, không có tiền lệ hoặc không có một truyền thống lâu đời của các triều đại ấy. Đến Nhật Bản, dù trong lịch sử ghi nhận có tới 8 vị Nữ Thiên hoàng, song không ít các nhận định cho rằng những người phụ nữ này thiên về nhiếp chính hơn là có quyền lực thực tế của một Thiên hoàng.

Trường hợp kế vị

Rất ít quốc gia trên thế giới có truyền thống để phụ nữ làm vua, ở Châu Âu cũng như vậy. Hai quốc gia đáng kể nhất công nhận phụ nữ kế vị là Vương quốc AnhVương quốc Tây Ban Nha. Và dù Margrethe I của Đan Mạch đã tự xưng Vương vị vào năm 1375, song Vương quốc Đan Mạch khi ấy hoàn toàn không có quy luật cho phép nữ giới lên ngôi, bà lên ngôi khi con trai là Olaf II qua đời.

Do Đạo luật Salic, các quốc gia thuộc khối Châu Âu phần lớn không đưa nữ giới vào dòng thừa kế. Quy định thừa kế chấp nhận nữ xảy ra khá sớm ở Anh và Tây Ban Nha, sau đó dần đến các quốc gia như Hà Lan, Bỉ, Thụy Điển cùng Đan Mạch. Ở Anh và Tây Ban Nha, nữ giới lớn nhất khi [không còn nam duệ] mới bắt đầu được suy xét quyền kế vị. Trong khi ở Bỉ, Thụy Điển, các vương thất bắt đầu chỉ định [người con lớn nhất không kể nam nữ] để kế vị.

Ai Cập, phụ nữ làm Pharaoh thường là công chúa xuất thân từ dòng dõi Ai Cập, trị vì với tư cách là vợ hoặc "Đồng quốc quân", như Hatshepsut, Nefertiti. Khi Ai Cập được trị vì bởi nhà Ptolemaios, trường hợp Vương hậu kiêm đồng quốc quân xảy ra rất thường xuyên, nổi tiếng nhất phải kể đến Cleopatra. Và tuy [Pharaoh] là một tước vị không rõ thuộc phạm trù Đế hay Vương, song các tư liệu quốc tế đều dịch Ai Cập ở mức độ [Vương quốc; Kingdom], các Nữ Pharaoh cũng từ đó thành [Queen; Nữ vương], dù ở Việt Nam quen xưng gọi [Nữ hoàng Ai Cập].